Chủ tọa chương trình gồm có: PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến; TS. Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng phòng Điều dưỡng. Tham gia chương trình còn có ông RN. Mohd Faqaruzi Bin Zipin - Quản lý lâm sàng Y khoa Châu Á; bà Lâm Sophie - Giám đốc ngành Y khoa Đông Nam Á, Công ty BH và 150 điều dưỡng trưởng, điều dưỡng trưởng đơn nguyên, điều dưỡng phụ trách công tác đào tạo tại các đơn vị lâm sàng trong Bệnh viện Bạch Mai.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Vũ Văn Giáp nhấn mạnh: Đây là một hoạt động khoa học quan trọng nhằm nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Mặc dù, chúng ta có vật tư tiêu hao tốt, nhưng trong lâm sàng nếu không chú ý kỹ thuật và quy trình chăm sóc đường truyền tĩnh mạch thì vẫn có những biến chứng. Bệnh viện Bạch Mai không chỉ là nơi khám chữa bệnh, điều trị chất lượng cao cho hàng ngàn bệnh nhân từ khắp nơi đến mỗi ngày mà còn là nơi đào tạo cho học viên nhiều cơ sở y tế, do vậy tổ chức thường xuyên những chương trình khoa học để nâng cao kiến thức, tay nghề cho khối điều dưỡng là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
KỸ THUẬT TIÊM TRUYỀN TĨNH MẠCH LÀ KỸ THUẬT ĐƯỢC ĐIỀU DƯỠNG THỰC HIỆN HÀNG NGÀY TRÊN NGƯỜI BỆNH
Bài báo cáo khoa học của ông RN.Mohd Faqaruzi Bin Zipin - Quản lý Lâm sàng Y khoa châu Á - Công ty BH có chủ đề “Chăm sóc và duy trì đường truyền tĩnh mạch nhằm giảm các biến chứng - Ứng dụng thang điểm VIP” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học viên. Bài báo cáo đã truyền đạt nhiều thông tin và kinh nghiệm hữu ích về các biến chứng có thể xảy ra khi tiếp cận tĩnh mạch và các biện pháp nghiêm ngặt để phòng ngừa. Đặt kim luồn tĩnh mạch ngoại vi (IV) là thủ thuật xâm lấn phổ biến nhất được thực hiện trên toàn thế giới. Kỹ thuật này đòi hỏi sự vô trùng từ thao tác đến cố định, và cần được theo dõi, đánh giá trong suốt quá trình nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, tránh các tai biến tiềm ẩn.
Biến chứng tiềm ẩn có thể xảy ra sau 30 phút tiếp cận mạch máu như: Thoát mạch, viêm tĩnh mạch, tắc Catheter, tụt Catheter và nhiễm khuẩn. Bất kỳ biến chứng nào cũng có thể phải rút bỏ kim luồn tĩnh mạch ngoại vi – PIVC và phải dùng những can thiệp tốn kém và phức tạp hơn. Khi đặt đường truyền tai biến chỉ có sắc xuất 1%, trong khi đó biến chứng trong quá trình duy trì đường truyền có thể lên 90% nếu không tuân theo quy trình kỹ thuật. Biến chứng về viêm tĩnh mạch cần được chú ý nhiều nhất.
Viêm tĩnh mạch do hóa học có thể xảy ra vì bệnh nhân cần điều trị nhiều loại thuốc, cần chú ý kích thước kim truyền, tốc độ của dịch truyền, dung dịch sát khuẩn cần làm khô hoàn toàn trước khi truyền. Viêm tĩnh mạch do cơ học có thể xảy ra khi không chú ý đến kích cỡ của Catheter, góc đâm và vị trí đầu của Catheter, sự di động của Catheter, các tổn thương trong quá trình đâm kim, chất liệu Catheter (Hiện nay có loại đi vào lòng mạch mà không làm tổn thương).
Viêm tĩnh mạch do vi khuẩn có thể xảy ra khi truyền trong tình trạng cấp cứu, do băng dán nhiễm khuẩn, kỹ thuật thực hiện trong tình trạng không đảm bảo vô khuẩn và có cả những yếu tố nguy cơ từ người bệnh như bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, tình trạng nhiễm trùng đang hiện hữu, bệnh tiểu đường... Vì vậy, nhân viên y tế cần thường xuyên đánh giá vị trí đường truyền, xác định can thiệp khi cần thiết, chú ý đối tượng là trẻ em, người già...Bên cạnh đó cũng cần chia sẻ và phổ biến kiến thức cho người trông nom bệnh nhân để biết cách theo dõi và chăm sóc đường truyền.
Tắc nghẽn Catheter một phần hoặc hoàn toàn cũng có thể xảy ra. Tắc do huyết khối trong lòng Catheter xảy ra khi máu trào ngược lòng mạch, có thể do kỹ thuật tiêm, sử dụng kim tiêm và xi-lanh chưa phù hợp. Một trong những phương pháp cần chú ý việc sử dụng bơm tiêm phù hợp và thông tráng lòng mạch bằng nước muối sinh lý vô trùng để khắc phục vấn đề. Trong những trường hợp trị liệu cần truyền tĩnh mạch liên tục nên sử dụng hệ thống IV kín, hạn chế các sử dụng các thiết bị nối thêm để giảm khả năng nhiễm khuẩn.
DUY TRÌ TỐT ĐƯỜNG TRUYỀN TĨNH MẠCH, TRÁNH BIẾN CHỨNG - NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐIỀU TRỊ VÀ CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH
Báo cáo mang nhiều thực tiễn thực hành lâm sàng tại Bệnh viện Bạch Mai của Thạc sĩ Hoàng Minh Hoàn - Điều dưỡng trưởng khối Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai với chủ đề “Thực tế thang điểm VIP trong chăm sóc đường truyền tĩnh mạch tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai” đã nhận được sự tán đồng từ phía đồng chủ tọa là chuyên gia RN. Mohd Faqaruzi Bin Zipin đến từ Singapore. Ông cho rằng: Các biện pháp áp dụng theo thang điểm VIP để đánh giá, chăm sóc và xử lý đường truyền tĩnh mạch đang áp dụng tại Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai đang đi đúng khuyến nghị của Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn quốc tế. Thang điểm VIP là thang điểm đánh giá mức độ viêm tĩnh mạch theo 5 nấc đã được phổ biến trong khối Điều dưỡng. Trong đó có khuyến cáo từng mức độ viêm và hướng xử lý. Báo cáo nêu rõ việc đào tạo, đánh giá, giám sát theo thang điểm VIP được diễn ra thường xuyên, liên tục và cập nhật hàng ngày. Việc kiểm tra đường truyền được thường xuyên, theo dõi và đánh giá theo các dấu hiệu trên thực tế, phân loại và xử trí kịp thời, ngăn ngừa biến chứng viêm tĩnh mạch, huyết khối và xử lý các biện pháp can thiệp khi cần thiết.
Việc đào tạo chăm sóc và duy trì tốt đường truyền tĩnh mạch tại Trung tâm Hồi sức tích cực chú ý đến thực hành, cầm tay chỉ việc, sử dụng hình ảnh nhiều. Các biện pháp dự phòng viêm tĩnh mạch tại Khối Hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai đã và đang được chú ý nhiều mặt. Về các loại thuốc dễ gây viêm tĩnh mạch, nhân viên y tế cần cho dịch đẳng trương chảy song song và chảy nhanh hơn, hoặc pha loãng thuốc, khi bơm tiêm thuốc tiêm chậm theo đúng chỉ định, pha thuốc đúng dung dịch và số lượng theo khuyến cáo. Trong khi đặt đường truyền cần lựa chọn các vị trí phù hợp, đảm bảo vô khuẩn, cố định tốt đường truyền và ghi rõ ngày giờ. Sử dụng các cỡ kim truyền phù hợp theo bệnh cảnh, thời gian lưu kim và các loại thuốc truyền...
Việc sử dụng thang điểm VIP được áp dụng dễ dàng, đảm bảo tính thống nhất trong khối điều dưỡng, khuyến cáo và đánh giá sau mỗi ca làm việc, tổng hợp để theo dõi tỷ lệ viêm đường truyền, đánh giá chất lượng chăm sóc người bệnh.
Sau phần thuyết trình với hai bài báo cáo khoa học giàu thực tiễn là phần thảo luận nhóm sôi nổi và phần thực hành trên mô hình, chương trình “Một số giải pháp phòng ngừa biến chứng trong chăm sóc đường truyền tĩnh mạch” thật sự hữu ích cho khối điều dưỡng, giúp các điều dưỡng có thêm kiến thức và kinh nghiệm để làm chủ kỹ thuật cơ bản và chuyên sâu. Từ đó chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, tiết kiệm tài nguyên chăm sóc sức khỏe như là thiết bị và thời gian sức lực của nhân viên y tế, tăng sự hài lòng người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, đảm bảo tối đa sự an toàn cho người bệnh.
Bài: Thùy Dương/Ảnh: Thành Dương