Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y học cận lâm sàng mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và đội ngũ y bác sĩ. Đây là công cụ đắc lực hỗ trợ các bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh, tối ưu hoá hiệu suất, năng suất làm việc của cán bộ y tế, cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như dịch vụ khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm thiểu bỏ sót tổn thương, phát hiện, chẩn đoán bệnh đúng, sớm.
Hội thảo khoa học: “Giới thiệu, vận hành hệ thống tích hợp phần mềm trên 3 cơ sở dữ liệu: CT lồng ngực, Nội soi phế quản và mô bệnh học trong chẩn đoán ung thư phổi” diễn ra ngày 6/3 tại Bệnh viện Bạch Mai. Tại hội thảo, các chuyên gia, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành và nhóm nghiên cứu đã đưa ra những kết quả thử nghiệm các module phần mềm phát hiện và chẩn đoán ung thư phổi đáng chú ý và hết sức tiềm năng.
Chương trình có sự tham gia đông đảo của các cá nhân, đơn vị, tổ chức, cơ sở y tế trong ngoài Bệnh viện Bạch Mai như: Viện Trí tuệ nhân tạo, Đại học Công nghệ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện K, các Trung tâm thuộc Bệnh viện Bạch Mai gồm: Trung tâm Hô Hấp, Trung tâm Điện Quang, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu.
Có thể nói rằng, trong cuộc cách mạng số, ngành y tế Việt Nam nói chung và Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đã ứng dụng công nghệ AI trong phục vụ chuyên môn khám chữa bệnh từ sớm.
PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại Hội thảo, nhấn mạnh vai trò của AI trong việc hỗ trợ các bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh
“Khi chưa có ứng dụng AI, các bác sĩ khá vất vả để đưa ra quyết định chính xác. Ứng dựng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh, các bác sĩ có thêm nhiều thông tin hữu ích, nhận định được tổn thương phát hiện từ sớm, không bỏ sót tổn thương, từ đó đưa ra những quyết định, chẩn đoán chính xác hơn, lựa chọn phác đồ điều trị tối ưu, cá thể hoá, phù hợp với từng thể trạng người bệnh. Lợi ích trí tuệ nhân tạo mang lại thực sự là một cuộc cách mạng, giúp y bác sĩ tối ưu hiệu suất làm việc, chẩn đoán điều trị, tăng chất lượng chuyên môn và giảm thời gian chờ đợi người bệnh”, PGS. TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Sau 2 năm miệt mài, với đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về các modul phần mềm phát hiện và chẩn đoán ung thư phổi dựa trên hình ảnh CT Lồng ngực, ảnh nội soi phế quả, ảnh mô bệnh học tại các cơ sở y tế, các thành viên của nhóm nghiên cứu hết sức nỗ lực, đạt được các chỉ tiêu của Bộ Khoa học công nghệ. Kết quả đánh giá về độ nhạy, độ đặc hiệu, phát hiện được các tổn thương ung thư phổi đạt được các chỉ tiêu, hết sức tiềm năng, có thể ứng dụng để triển khai trong thực tế.
“Khi kết quả được nghiệm thu sẽ chuyển giao, hỗ trợ cho các cơ sở y tế trên cả nước. Cụ thể, chỉ cần có hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, hình ảnh nội soi, hình ảnh mô bệnh học đẩy về Bệnh viện Bạch Mai, sau một thời gian rất nhanh sẽ có kết quả trả về cho các cơ sở y tế đối chiếu, rà soát. Và với lượng dữ liệu ngày càng lớn, cập nhật thường xuyên, máy chủ tinh chỉnh, thông minh hơn, chúng ta sẽ có một sản phẩm Trí tuệ Việt, Khát vọng Việt phục vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân”, PGS. TS Vũ Văn Giáp bày tỏ kỳ vọng.
Cũng tại Hội thảo khoa học, các chuyên gia, nhóm nghiên cứu đánh giá, các modul phần mềm phát hiện và chẩn đoán ung thư phổi dựa trên hình ảnh CT Lồng ngực, ảnh nội soi phế quản, ảnh mô bệnh học bước đầu đã có những bước tiến phát triển, tuy nhiên cần liên tục tinh chỉnh, bổ sung để kết quả ngày càng sát, hoàn thiện hơn chẩn đoán ung thư phổi, tạo tiền đề phát triển các phần mềm AI để hỗ trợ các y bác sĩ.
“Bộ dữ liệu (CT Lồng ngực, Nội soi phế quản, Mô bệnh học) đã thu thập nhìn chung đảm bảo chất lượng để huấn luyện các mô hình AI hỗ trợ chẩn đoán ung thư phổi cho kết quả khả quan trên dữ liệu kiểm thử thực tế. Các module AI hỗ trợ chẩn đoán UTP dựa trên hình ảnh CT Lồng ngực, ảnh nội soi phế quản, ảnh mô bệnh học được tích hợp vào các hệ thống hiện có (PACS, NSPQ) có hiệu suất cao, cho thấy khả năng triển khai thực tế, không thay đổi tới quy trình chẩn đoán hiện tại của bác sỹ”, các chuyên gia chỉ ra kết quả thử nghiệm.
Nhóm nghiên cứu và các đại biểu thể hiện quyết tâm sẽ cho ra đời một sản phẩm Trí tuệ Việt, khát vọng Việt phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân
Ung thư phổi là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong đứng hàng thứ 2 tại Việt Nam và Thế giới, nguy cơ ngày càng tăng. Vấn đề đặt ra là phải sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán sớm mới cứu được người bệnh. Tại Việt Nam, mặc dù phác đồ điều trị đã có nhiều tiến bộ, phát triển tuy nhiên tỷ lệ phát hiện bệnh sớm vẫn còn hạn chế. AI có thể hỗ trợ và cải thiện vấn đề này.
Các chuyên gia, nhóm nghiên cứu đều đồng quan điểm rằng, AI - Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế hoàn toàn các y bác sĩ. Quá trình xây dựng dữ liệu, gắn nhãn, quy trình vận hành phải tuân thủ, đảm bảo độ chuẩn xác, AI mới hỗ trợ được tối đa cho các y bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và điều trị.