Chủ trì và báo cáo tại hội nghị có PGS. TS. Vũ Văn Giáp Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS.BS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu; GS. TS. BS. Istvan Petak, Chuyên gia quốc tế về ung thư học chính xác, PGS.TS.BS. Vũ Hồng Thăng, phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa.
Trí tuệ nhân tạo (AI) và những ứng dụng trong y học
PGS. TS. BS. Phạm Cẩm Phương cho biết: Trước đây, điều trị ung thư đang có một số phương pháp chính như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Gần đây, có thêm các phương pháp điều trị đích và điều trị miễn dịch. Tùy thuộc vào các đột biến gen của người bệnh, tùy thuộc vào từng loại bệnh ung thư, tùy thuộc vào thể trạng của người bệnh mà sẽ có các thuốc điều trị nhắm vào các đích khác nhau. Với phương pháp điều trị miễn dịch thì cơ chế của nó tác động vào khối u hoặc tế bào miễn dịch và kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể, để từ đó hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta tự nhận diện ra được các tế bào ung thư và tiêu diệt nó.
Trước đây, các liệu pháp điều trị đích và điều trị miễn dịch này thường chỉ áp dụng trong giai đoạn muộn thì ngày nay các liệu pháp này cũng đã tiến bộ hơn và có nhiều các thử nghiệm lâm sàng không chỉ áp dụng trong giai đoạn muộn mà cả giai đoạn sớm; tức là điều trị bổ trợ, để từ đó nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Ngày nay, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng đã được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Trí tuệ nhân tạo cũng đã hỗ trợ cho các bác sĩ của chúng ta trong nhiều chuyên ngành. Đặc biệt là các bác sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh trong quá trình đọc kết quả chụp chiếu, các bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh trong đọc kết quả mô bệnh học. Các thành quả này, rất hữu ích, hỗ trợ cho các bác sĩ trong lựa chọn phác đồ điều trị làm sao đem lại hiệu quả điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. Đó là lý do ngày hôm nay, chúng ta cùng ngồi đây để nghe các tham luận và cùng thảo luận về Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao hiệu quả điều trị đích và miễn dịch trong ung thư…
Tham luận được báo cáo tại Hội nghị gồm 3 nội dung: PGS. TS. BS. Phạm Cẩm Phương đã chia sẻ về “Những bằng chứng, quan điểm, và khuyến nghị mới trong sử dụng dữ liệu gen để điều trị đích”; GS. TS. Istvan Petak chia sẻ về: Giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến trong hỗ trợ ra quyết định điều trị đích/miễn dịch dựa trên hồ sơ phân tử và PGS. TS. BS. Vũ Hồng Thăng báo cáo về “Tích hợp ra quyết định bằng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực hành lâm sàng ung thư tại Việt Nam - Từ WFO (Watson for Oncology) đến Genous
Với ba bài báo cáo của 3 chuyên gia đầu ngành về ung thư đã giúp cho các tham dự viên có thêm nhiều kinh nghiệm và các kiến thức trong việc nâng cao hiệu quả trong chẩn đoán và trong điều trị bệnh ung thư một cách tối ưu nhất…
Bốn khuyến nghị mới trong sử dụng dữ liệu gen để điều trị đích
Trong phần nội dung báo cáo của mình, PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra 4 khuyến nghị mới được cập nhật trên thế giới trong việc sử dụng dữ liệu gen để điều trị đích. Khuyến nghị thứ nhất: Cá thể hóa điều trị ung thư đòi hỏi phải hiểu biết toàn diện về đặc điểm của bệnh và phác đồ điều trị có thể được điều chỉnh theo dòng thời gian. Quan điểm gần đây, cần kết hợp cả sinh thiết lỏng và sinh thiết mô để thu thập thông tin di truyền tốt hơn, bên cạnh đó là lặp lại tiến trình khi bệnh tiến triển, vì 85% số ca bệnh tái phát sẽ mang đột biến mới; Khuyến nghị thứ hai: Để cải thiện kết quả điều trị ung thư, cần tích hợp đa dữ liệu (nhất là dữ liệu gen) nhằm nâng cao hiệu lực chẩn đoán, phát hiện mục tiêu điều trị, đồng thời tận dụng các thuật toán máy tính, trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ ra quyết định điều trị. Khuyến nghị thứ ba: ESMO (Hiệp hội nội khoa ung thư châu Âu) năm 2022 đã đưa ra quan điểm sử dụng công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới/thế hệ tiếp theo (NGS) cho các loại ung thư; ASCO (Hiệp hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ) năm 2022 cũng khuyến cáo cần xét nghiệm gen khi loại ung thư mà bệnh nhân đang mắc có sẵn liệu pháp điều trị đích/miễn dịch, và ưu tiên xét nghiệm đa gen bằng NGS khi bệnh nhân hội đủ điều kiện chữa trị. Khuyến nghị thứ 4: Báo cáo (hồ sơ) phân tử trước điều trị rất hữu ích. Thực hành NGS nên được tiến hành sớm ở các bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn ngay từ khi được chẩn đoán mắc bệnh. NGS nên triển khai trên bảng gen lớn ở bệnh nhân có gánh nặng khối u (TMB) cao, để thu thập nhiều thông tin có giá trị, gia tăng lợi ích (so với bảng gen nhỏ) cho bác sĩ lâm sàng trong điều trị trúng đích/miễn dịch cho bệnh nhân.
Trong bài trình bày của mình, GS. TS. Istvan Petak chia sẻ về: Giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến trong hỗ trợ ra quyết định điều trị đích/miễn dịch dựa trên hồ sơ phân tử tại Mỹ đã áp dụng trong nhiều năm nay và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Việc phối hợp trí tuệ nhân tạo đã hỗ trợ trong phân tích kết quả, dự báo các yếu tố đáp ứng điều trị, lựa chọn loại thuốc phù hợp cũng như xem xét được có các thử nghiệm lâm sàng quốc tế nào đang được triển khai. Việc áp dụng dữ liệu lớn về hồ sơ phân tử và trí tuệ nhân tạo đã hỗ trợ các bác sĩ trong công tác chuyên môn.
PGS. TS. BS. Vũ Hồng Thăng báo cáo về chủ đề: “Tích hợp ra quyết định bằng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực hành lâm sàng ung thư tại Việt Nam – Từ WFO (Watson for Oncology) đến Genous, PGS đã chia sẻ rất rõ về việc trước đây và hiện nay việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và hồ sơ phân tử giúp hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng phác đồ từ đó mang lại hiệu quả điều trị và chi phí hợp lý.
Với những nội dung mang tính thời sự, cập nhật xu thế tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, Hội nghị khoa học chuyên đề: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao hiệu quả điều trị đích và miễn dịch trong ung thư đã thu hút sự tham gia của gần 500 đại biểu, trong đó 100 đại biểu tham dự trực tiếp tại Hội trường và gần 400 đại biểu tham dự online qua zoom./.
Diệu Hiền - Thành Dương