Nhiều người vẫn nghĩ cúm mùa là bệnh cảm thông thường. Với người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người mắc bệnh nền, cúm có thể là khởi đầu của một chuỗi biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Những tháng đầu năm 2025, các bệnh viện lớn phía bắc trong đó có Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận sự gia tăng số ca cúm mùa nặng cần can thiệp thở máy và ECMO.
Những con số đáng báo động
Theo WHO, mỗi năm cúm mùa có 3-5 triệu ca nặng và từ 291.000 đến 646.000 ca tử vong trên toàn thế giới. Nhập viện và tử vong chủ yếu ở nhóm nguy cơ cao. Dịch cúm làm mất/giảm đáng kể ngày công, năng suất lao động hay ngày học và quá tải ở phòng khám /bệnh viện.
Tại Việt Nam, năm 2024 đã ghi nhận 289.214 ca mắc cúm, với nhiều ổ dịch ghi nhận số ca rất cao. Tại Thanh Hóa (46.600 ca), Thái Bình (26.345), Nghệ An (17.949 ca), Hà Tĩnh (14.073 ca), Sơn La (10.162 ca). Đầu năm 2025, chỉ trong tháng 2, một ổ dịch cúm A bùng phát tại một trường dân tộc nội trú ở Bắc Kạn khiến 43 học sinh đồng loạt nhiễm bệnh. Bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận nhiều ca cúm nặng phải thở máy, thậm chí can thiệp ECMO - dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng vượt ngoài dự đoán.
TS.BS Đoàn Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về Gánh nặng cúm mùa trên các nhóm nguy cơ cao và giá trị của vắc xin cúm.
“Cúm là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp rất dễ lây lan, đặc biệt trong cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Khi tấn công vào người có bệnh nền hoặc thể trạng yếu, cúm có thể dẫn tới suy hô hấp, nhiễm khuẩn thứ phát, tổn thương tim mạch và đột quỵ. Tỷ lệ tử vong và nhập viện do cúm ở người lớn tuổi và bệnh nhân nền cao gấp nhiều lần so với các nhóm khác”, TS.BS Đoàn Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Cúm tấn công thầm lặng nhưng để lại hậu quả nặng nề. Người ≥65 tuổi có nguy cơ tử vong do cúm cao gấp 700% so với nhóm tuổi 50-64. Bệnh cúm khiến tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim gấp 6-10 lần, đột quỵ gấp 3-10 lần, đặc biệt trong tuần đầu sau khi nhiễm. Người có bệnh nền như tiểu đường, COPD dễ nhiễm cúm, dễ biến chứng, tăng đột biến nguy cơ nhập viện và tử vong. Phụ nữ mang thai, không chỉ ảnh hưởng bản thân mà còn đe dọa sức khỏe của thai nhi. Trẻ em dễ mắc cúm, dễ biến chứng nặng, dễ lây lan trong cộng đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế và khảo sát thị trường năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng cúm ở người cao tuổi tại Việt Nam rất thấp, dưới 6%, chủ yếu do tâm lý chủ quan “cúm chỉ là bệnh vặt”và thiếu tư vấn từ nhân viên y tế.
Vắc-xin cúm - Lá chắn không thể thiếu
Nhiều nghiên cứu lớn trên thế giới cho thấy tiêm vắc-xin cúm giúp giảm đến 45% nguy cơ nhập viện vì biến cố tim mạch và 42% nguy cơ tử vong do viêm phổi ở người cao tuổi sống tại viện dưỡng lão. Với bệnh nhân đái tháo đường, vắc-xin cúm giúp giảm 72% các biến chứng nặng (ở nhóm 18-64 tuổi) và hơn 39% ở nhóm cao tuổi. Ở trẻ em, tiêm phòng cúm giúp giảm 77% nguy cơ nghỉ học, 75% nguy cơ nhập viện, và 61% số ngày cha mẹ phải nghỉ làm để chăm sóc con ốm. Vắc-xin cúm được chứng minh an toàn với thai phụ, không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và có hiệu quả trong giảm tỷ lệ nhiễm cúm ở trẻ sơ sinh - những đối tượng chưa thể tự tiêm chủng.
Bệnh viện Bạch Mai chính thức ra mắt Đơn vị Tư vấn và Tiêm chủng vắc xin – nơi hội tụ uy tín, chuyên môn và sự chăm sóc tận tâm hàng đầu!
“Vắc-xin cúm là một công cụ phòng bệnh hữu hiệu, an toàn và đã được toàn cầu khuyến cáo. Nhưng nếu không thay đổi nhận thức cộng đồng và thói quen chủng ngừa, hệ quả sẽ tiếp tục lặp lại”, TS.BS Đoàn Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Tiêm phòng cúm nên được duy trì hàng năm, vào bất cứ thời điểm nào vắc-xin sẵn có. Đặc biệt, các nhóm: Người cao tuổi (≥65 tuổi), Người có bệnh nền: tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính (COPD), suy thận…, Phụ nữ mang thai, Trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 5 tuổi, Nhân viên y tế, giáo viên, người thường xuyên tiếp xúc cộng đồng… cần bắt buộc và được ưu tiên.
Về phía hệ thống y tế, các bệnh viện được khuyến khích triển khai mô hình tư vấn tiêm phòng cúm ngay tại khoa khám bệnh, khoa nội trú và phòng sinh. Nhân viên y tế được khuyến cáo nên áp dụng mô hình SHARE (Chia sẻ, Nhấn mạnh, Giải quyết, Nhắc nhở, Giải thích) để nâng cao hiệu quả tư vấn.
“Nhân viên y tế đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao tỉ lệ tiêm ngừa cúm phòng. Sự tư vấn của bác sĩ điều trị là quan trọng, góp phần tăng cao tỉ lệ chủng ngừa ở nhóm nguy cơ cao. Nhân viên viên y tế nên chủ động tư vấn tiêm ngừa cúm trong quá trình khám bệnh - đặc biệt với bệnh nhân lớn tuổi hoặc có bệnh nền. Đó là cách chăm sóc toàn diện và phòng ngừa chủ động nhất”- TS.BS Đoàn Thị Phương Lan chia sẻ.
Cúm có thể phòng tránh. Cần thay đổi nhận thức cộng đồng và nâng cao vai trò của bác sĩ trong việc chủ động tư vấn tiêm phòng. Tiêm vắc-xin cúm không chỉ là lựa chọn, mà đó là trách nhiệm.