Tại Hội nghị Khoa học Quốc tế 2025 diễn ra ở thành phố Vinh (Nghệ An), Chuyên đề 5 - Điện Quang Can Thiệp đã trở thành tâm điểm thu hút giới y khoa toàn cầu. Trong đó, ba bài báo cáo đột phá từ các chuyên gia đầu ngành đã mở ra những chân trời mới cho điều trị ung thư, đột quỵ và bệnh lý mạch máu não.
Đột phá trong điều trị Đột quỵ - Khi thời gian là não
PGS.TS. Vũ Đăng Lưu - Giám đốc Trung tâm Điện Quang, Bệnh viện Bạch Mai đã mang đến bài báo cáo: “Cập nhật can thiệp lấy huyết khối trong điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp”, làm sáng tỏ những tiến bộ vượt bậc của Can thiệp lấy huyết khối cơ học (Endovascular Thrombectomy). Đột quỵ nhồi máu não chiếm 80% các ca đột quỵ, không chỉ là nguyên nhân tử vong hàng đầu mà còn để lại di chứng nặng nề. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc theo GBD (Global Burden of Disease) năm 2019 là 16.3-17.5%, tỉ lệ tử vong do đột quỵ đã tăng lên 15-18% trong nhưng năm gần đây, và tiếp tục gia tăng, đặt ra yêu cầu cấp thiết về giải pháp điều trị hiệu quả.
Theo PGS.TS. Vũ Đăng Lưu, Can thiệp lấy huyết khối cơ học chính là “chìa khóa vàng” giúp tái thông mạch máu lớn bị tắc, cứu sống và bảo tồn chất lượng sống cho bệnh nhân. “Mỗi phút trôi qua, 1,9 triệu tế bào thần kinh bị mất đi. Thời gian chính là não!” - ông nhấn mạnh. Hiện nay, chỉ định điều trị lấy huyết khối cơ học đã chứng minh có hiệu quả khi có tắc mạch lớn đã mở rộng cho cả trường hợp lõi hoại tử rộng và thời gian đến viện tới 24h kể từ khi bị đột quỵ, tuy nhiên cần có thăm khám hình ảnh đánh giá chuyên sâu và sự phối kết hợp đa chuyên khoa để có được kết quả hồi phục tốt nhất cho người bệnh. Các nghiên cứu TENSION, LASTE, TESLA, RESCUE Japan LIMIT, SELECT-2, ANGEL ASPECT… đã cho thấy can thiệp với lõi hoại tử rộng còn mang lại hiệu quả gấp 2.5 lần so với điều trị nội khoa thông thường. Mở rộng chỉ định điều trị lấy huyết khối cơ học về thời gian và lõi hoại tử sẽ làm tăng thêm hơn 20% cơ hội được chỉ định điều trị cho các trường hợp đột quỵ nhồi máu tắc mạch lớn. Không dừng lại tại thời gian trong vòng 24h, các nghiên cứu hiện nay tiếp tục nghiên cứu mở rộng thời gian điều trị sau 24 đến 72 giờ.
Không dừng lại ở lý thuyết, PGS.TS. Đăng Lưu chia sẻ hai ca lâm sàng ấn tượng tại Bệnh viện Bạch Mai. Một bệnh nhân nam 72 tuổi bị tắc động mạch cảnh trong và não giữa đã phục hồi gần như hoàn toàn sau can thiệp lất huyết khối kết hợp đặt stent. Trường hợp khác là nữ bệnh nhân 28 tuổi mắc lupus ban đỏ, tắc nhánh M2, được can thiệp thành công chỉ sau 3 giờ khởi phát. “Can thiệp lấy huyết khối không chỉ cứu mạng mà còn giảm gánh nặng cho xã hội”, PGS. Vũ Đăng Lưu khẳng định.
Đốt nhiệt khối u - Kỹ thuật “không dao kéo” cứu sống hàng ngàn người bệnh
Trong bài báo cáo “Can thiệp đốt nhiệt tổn thương u dưới hướng dẫn hình ảnh”, TS. Lê Văn Khảng - Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai đã phác họa sinh động hành trình ứng dụng các kỹ thuật RFA (đốt sóng cao tần), MWA (đốt vi sóng) và Cryoablation (đốt lạnh) tại Bệnh viện Bạch Mai. Đây được xem là giải pháp tối ưu cho cả u lành và ác tính, giúp bệnh nhân tránh được phẫu thuật xâm lấn.
Với ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) - chiếm 90% ung thư gan nguyên phát, RFA và MWA đã trở thành cứu cánh. Nghiên cứu của Shiina et al. (2005) cho thấy tỷ lệ sống sót sau 4 năm ở bệnh nhân HCC nhỏ đạt 74%, vượt trội hơn hẳn phương pháp tiêm ethanol. Trong khi đó, MWA chứng minh hiệu quả tương đương phẫu thuật cắt gan với tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 54.78%. “Kỹ thuật này không chỉ giảm thời gian nằm viện mà còn hạn chế biến chứng” - TS. Khảng chia sẻ.
Không dừng lại ở ung thư, điện quang can thiệp còn tỏa sáng trong điều trị u lành tính. Điển hình là trường hợp bệnh nhân F78 có nốt tuyến giáp 69mL gây hẹp 30% khí quản. Sau RFA, thể tích nốt giảm 82%, giải phóng hoàn toàn áp lực chèn ép. Với ung thư giáp thể nhú vi thể (PTMC), theo dõi 74 bệnh nhân trong 5 năm cho thấy 100% nốt PTMC biến mất, không di căn hay tái phát. “Đây là tin vui cho những người từ chối phẫu thuật” - TS. Khảng nhấn mạnh.
Giải pháp cho túi phình động mạch não nhỏ
Bổ sung vào bức tranh toàn cảnh, BS. Nguyễn Tất Thiện - Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai đã trình bày báo cáo “Xử lý túi phình động mạch não nhỏ”, làm nổi bật vai trò của điện quang can thiệp trong điều trị các tổn thương mạch máu não phức tạp. Túi phình động mạch não, dù nhỏ, vẫn tiềm ẩn nguy cơ vỡ gây xuất huyết nguy hiểm.
Nhờ tiến bộ của chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) và ống thông vi mạch, các bác sĩ có thể tiếp cận túi phình dù chỉ 2-3mm. Kỹ thuật can thiệp nội mạch bằng coil hoặc stent giúp bịt kín túi phình, ngăn ngừa vỡ mà không cần mở hộp sọ. BS. Thiện chia sẻ trường hợp bệnh nhân nữ 71 tuổi bị túi phình nhánh M2, được can thiệp thành công sau 40 phút, phục hồi gần như hoàn toàn. “Việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời là yếu tố quyết định” - ông nhấn mạnh.
Thành tựu từ ba báo cáo không chỉ là những con số ấn tượng mà còn phản ánh tầm nhìn dài hạn của ngành y tế Việt Nam. Điện quang can thiệp, với ưu thế chính xác và ít xâm lấn, đang trở thành trụ cột của y học cá thể hóa - nơi mỗi bệnh nhân nhận được phác đồ tối ưu. PGS.TS Vũ Đăng Lưu cũng cho biết thông tin: Mới đây, Hội nghị Điện quang can thiệp Châu Á- Thái Bình Dương APSCVIR 2025 đã được tổ chức thành công tại Đà Nẵng, điều đó khẳng định vị thế bác sĩ Điện quang can thiệp và chuyên ngành Điện quang can thiệp Việt Nam đã hội nhập trong xu hướng phát triển chung, đóng góp vào sự phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đó. PGS.TS. Vũ Đăng Lưu chỉ ra ba trở ngại chính: Thiếu nhân lực chuyên sâu, hạn chế trang thiết bị tại tuyến dưới và sự cần thiết của mạng lưới phối hợp liên viện. “Chúng tôi cam kết đào tạo đội ngũ, nâng cấp hệ thống và xây dựng quy trình chuẩn để điện quang can thiệp đến được với mọi bệnh nhân”, PGS. Lưu khẳng định.
Kết thúc hội nghị, thông điệp về sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và y đức đã được lan tỏa. Khi kỹ thuật và lòng nhân ái song hành, ranh giới giữa số phận và hy vọng sẽ luôn được viết lại. Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu, mang đến ánh sáng mới cho hàng nghìn bệnh nhân trên hành trình chiến đấu với bệnh tật.