Trong phiên làm việc sáng nay của Chuyên đề 15: Thần Kinh - Đột Quỵ, các chuyên gia đã cùng nhau vẽ nên bức tranh toàn cảnh về những tiến bộ vượt bậc trong điều trị đột quỵ. Dưới sự dẫn dắt của PGS.TS. Võ Hồng Khôi - Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, Hội nghị không chỉ cập nhật các nghiên cứu mới nhất mà còn đưa ra góc nhìn thực tiễn từ những thách thức và cơ hội tại Việt Nam.
Dẫn đầu hội nghị là hai báo cáo chuyên sâu của PGS.TS. Võ Hồng Khôi và ThS.BSNT. Phan Văn Toàn, mở ra góc nhìn toàn diện từ điều trị đột quỵ cấp đến chẩn đoán viêm não tự miễn - những thách thức y khoa đang "nóng" trên toàn cầu.
Đột quỵ - Cuộc chạy đua với thời gian vàng
PGS.TS. Võ Hồng Khôi - Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai đã phác họa sinh động hành trình "giành giật sự sống" qua 3 bước tiến mới:
Lấy huyết khối cơ học (LHK) – Tia hy vọng cho những ca khó
Từ dữ liệu nghiên cứu MAGNA (2023) trên 1.311 bệnh nhân, PGS. Khôi nhấn mạnh: "Dù chỉ 20% bệnh nhân nhồi máu não lõi lớn (ASPECTS 2-5) phục hồi tốt, LHK đã giúp giảm 30% tỷ lệ tàn phế nặng. Đây là con số có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhất là khi Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về gánh nặng đột quỵ".
Đáng chú ý, nghiên cứu ATTENTION (2022) về tắc động mạch thân nền - vốn được coi là "tử huyệt" - đã chứng minh LHK giảm tỷ lệ tử vong từ 55% xuống 37%. "Khi công nghệ và kỹ thuật hội tụ, ranh giới giữa sống và chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết", PGS. Khôi chia sẻ.
Tenecteplase (TNK) - Bước nhảy vọt từ lý thuyết đến thực hành
Y học không chỉ dừng lại ở cửa sổ lấy huyết khối ngày càng mở rộng và cá thể hoá, Tenecteplase (TNK) - thuốc tiêu sợi huyết thế hệ mới được FDA chấp thuận từ tháng 3 năm 2025 - đang mở ra cánh cửa hy vọng cho bệnh nhân Đột quỵ. Với ưu điểm cửa sổ điều trị có thể được mở rộng 4,5h đến 24 giờ tuỳ vào cá thể hoá. Tenecteplase, Ticagrelor được kỳ vọng trở thành "vũ khí hiệu quả an toàn" thêm vào trong chiến lược phòng chống đột quỵ Thế giới và Việt Nam.
Bảo vệ tế bào thần kinh khi não bộ được "che chắn"
Trong bối cảnh chỉ 30% bệnh nhân được tái thông mạch máu, PGS. Khôi nhấn mạnh vai trò của các thuốc bảo vệ tế bào não đã được một số quốc gia châu Âu đưa vào khuyến cáo tuy nhiên chúng ta cần có thêm những nghiên cứu lớn và hy vọng được FDA chấp thuận "những người hùng thầm lặng" giúp giảm tổn thương vùng não tranh tối tranh sáng, hỗ trợ phục hồi chức năng. PGS Khôi chia sẻ sự phối hợp team Đột quỵ điều trị ca lâm sàng nam 17 tuổi đột quỵ nhồi máu toàn bộ cầu não do tắc thân nền sau 24h được lấy huyết khối cơ học tại Trung tâm Thần kinh và Trung tâm Điện quang Bạch Mai đã được cứu sống, đưa cháu trở lại cuộc sống bình thường (mRS 1 điểm ở ngày thứ 90).
Cuối cùng là xu hướng mới hện nay của Thế giới: Đó là Kỷ nguyên của Đơn vị Đột quỵ Di động (MSU), Y học từ xa (TeleMedicine), Nghiên cứu về gen trị liệu, Trí tuệ nhân tạo (AI) (thuộc trong 6 trụ cột mũi nhọn của Đảng uỷ - Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã và đang chỉ đạo thực hiện tốt nhất) chính là chìa khóa vàng cho não khi bị đột quỵ đã được PGS.TS. Võ Hồng Khôi chia sẻ cho các đồng nghiệp trong nước và quốc tế tại Phiên 15 của Hội nghị khoa học quốc tế 2025.
Cập nhật tái tưới máu: Từ tiêu sợi huyết đến can thiệp cơ học
ThS.BSNT Bùi Quốc Việt (Trung tâm Đột Quỵ, Bệnh viện Bạch Mai) đã trình bày báo cáo sâu sắc về “Cập nhật tái tưới máu trong đột quỵ thiếu máu não”, làm rõ 4 trọng tâm:
Thứ nhất: Mở rộng cửa sổ tiêu sợi huyết (4,5-9 giờ):
- Dựa trên phân tích gộp từ JAMA 2021 và Stroke 2025, việc áp dụng tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho nhóm bệnh nhân có tắc mạch lớn và mismatch trên MRI/CTP được khuyến cáo, ngay cả khi không thể can thiệp lấy huyết khối.
- "Đây là cơ hội cuối cùng để cứu vãn vùng tranh tối tranh sáng, nhất với bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa", ThS. Việt nhấn mạnh.
Thứ hai: Tenecteplase (TNK) - Bước đột phá trong tiêu sợi huyết có thể mở rộng cửa sổ 4,5h đến 24h:
- Nghiên cứu đăng tải trên Lancet Neurology 2024 và Stroke 2022 khẳng định: TNK không chỉ tương đương Alteplase về hiệu quả mà còn dễ sử dụng, ổn định hóa học và phù hợp với cửa sổ điều trị mở rộng.
- "TNK sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu trong thập kỷ tới, đặc biệt ở quốc gia có hạ tầng y tế chưa đồng đều", ThS. Việt chia sẻ.
Thứ ba: Lấy huyết khối trong nhồi máu não lõi lớn (ASPECTS <6):
- Dữ liệu từ các thử nghiệm RESCUE-Japan và ANGEL-ASPECT cho thấy: Can thiệp LHK giảm 30% tỷ lệ tàn phế nặng (mRS 4-6) dù bệnh nhân có lõi tổn thương lớn.
- "Chúng ta cần cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ, đặc biệt khi trao đổi với gia đình bệnh nhân", Ths. Việt lưu ý.
Thứ tư: Bài học từ các nghiên cứu âm tính:
- Can thiệp LHK không mang lại lợi ích cho nhóm tắc mạch trung bình (ví dụ: Nhánh M2 không ưu thế) và bệnh nhân có NIHSS thấp (<6 điểm).
- "Không phải mọi tắc mạch đều cần can thiệp. Chọn lọc đúng đối tượng là chìa khóa thành công", ThS. Việt kết luận.
Viêm não tự miễn - Cuộc chiến với "kẻ giả dạng"
Kế thừa tinh thần đa chiều, ThS.BSNT. Phan Văn Toàn đưa độc giả vào hành trình chẩn đoán - điều trị viêm não tự miễn kháng thụ thể NMDA - căn bệnh thường bị nhầm lẫn với rối loạn tâm thần.
Chẩn đoán đúng để giải mã những bí ẩn của triệu chứng. Với 6 nhóm triệu chứng chính (rối loạn hành vi, co giật, suy giảm ý thức...), ThS. Toàn nhấn mạnh: "Kháng thể anti-GluN1 là tiêu chuẩn vàng, nhưng lâm sàng mới là kim chỉ nam. 48,9% bệnh nhân hồi phục tốt nhờ phát hiện sớm, trong khi 7,8% tử vong vì chậm trễ".
Điều trị đa mô thức: Từ Corticoid đến liệu pháp "đánh thức" hệ miễn dịch.
- Giai đoạn cấp: Kết hợp corticoid, lọc huyết tương (PLEX và truyền immunoglobulin (IVIG).
- Kháng trị: Rituximab (41,1%) và Cyclophosphamide (5,56%) trở thành "cứu cánh".
- Phẫu thuật: 11,1% trường hợp được cắt bỏ khối u kèm theo - minh chứng cho nguyên tắc "đúng người, đúng thời điểm".
Tổng kết hội nghị, PGS.TS. Võ Hồng Khôi khẳng định: "Những gì chúng ta đạt được hôm nay không chỉ là thành tựu khoa học, mà còn là cam kết cứu sống hàng nghìn bệnh nhân đột quỵ mỗi năm. Từ mở rộng cửa sổ điều trị đến ứng dụng Tenecteplase, mỗi bước tiến đều cần sự phối hợp đa ngành: Từ hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh đến phục hồi chức năng.
Tôi kêu gọi các đồng nghiệp: Hãy đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế tuyến dưới, đào tạo chuyên sâu về can thiệp mạch não và xây dựng mạng lưới TeleStroke, TeleMedicine, Gen trị liệu, Trí tuệ nhân tạo (AI), Đột quỵ Di động,… để mọi người dân đều được tiếp cận y tế chất lượng cao ngay tại địa phương. Hãy nhớ: Mỗi giây phút chúng ta tiết kiệm được trong 'thời gian vàng' là một mảnh đời được cứu sống. Hãy cùng nhau viết tiếp những câu chuyện kỳ diệu đó! Thành công không đến từ công nghệ đơn thuần, mà từ cách chúng ta kết nối giữa bác sĩ và bệnh nhân, giữa nghiên cứu và thực tiễn. Hãy để mỗi phát minh không chỉ là con số, mà là câu chuyện về những mảnh đời được hồi sinh!
Với thông điệp này, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục dẫn đầu trong hành trình "Vì một Việt Nam khỏe mạnh", cam kết mang đến dịch vụ y tế chất lượng cao, đặt người bệnh làm trung tâm.
"Đột quỵ không chờ đợi - Chúng ta cũng không được chậm trễ". Thông điệp này đã trở thành kim chỉ nam cho toàn ngành y tế Việt Nam trong hành trình giảm gánh nặng bệnh tật.