Giấc ngủ là một trạng thái sinh lý thiết yếu của cơ thể, nơi chúng ta tái tạo năng lượng, củng cố trí nhớ và duy trì sức khỏe toàn diện. Tuy nhiên, trong nhịp sống hối hả hiện đại, giấc ngủ ngon đang dần trở thành một "xa xỉ phẩm" đối với nhiều người. Những đêm thao thức, trằn trọc không chỉ gây mệt mỏi thể chất mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và chất lượng cuộc sống. Bài viết này sẽ đi sâu vào câu chuyện của những người đang vật lộn với chứng mất ngủ, cùng chuyên gia làm rõ nguyên nhân, cách nhận biết và những hậu quả khôn lường của "kẻ trộm" thầm lặng này.
Ca lâm sàng: Hành trình tìm lại giấc ngủ của chị D.
Chị D. (40 tuổi, Hà Nội) vốn là một người dễ ngủ, mỗi đêm chìm vào giấc nồng 6-7 tiếng. Cuộc sống của chị tưởng chừng yên ả với công việc văn phòng ổn định, chồng làm kế toán và hai con chăm ngoan, học giỏi. Thế nhưng, cách đây một năm, mọi thứ đảo lộn khi con chị bước vào kỳ thi chuyển cấp quan trọng, đồng thời chị được thăng chức lên vị trí quản lý với khối lượng công việc khổng lồ. Áp lực "kép" khiến chị thường xuyên thức khuya, có đêm hơn 12 giờ mới lên giường. Giấc ngủ bắt đầu rời xa chị.
Lúc đầu, chị chỉ khó ngủ dần, đêm ngủ được 4-5 tiếng, giấc ngủ chập chờn. Dù đi ngủ sớm từ 10h, chị vẫn trằn trọc. Ban ngày, cố chợp mắt 15-30 phút cũng không được. Tình trạng kéo dài, nhưng chị chủ quan không đi khám, chỉ tự mua thuốc bổ não uống mà không cải thiện. Ba tháng gần đây, chị chỉ ngủ được 2-3 tiếng/đêm, phải mất 2-3 tiếng mới vào giấc, thức giấc nhiều lần và không ngủ lại được. Cơ thể mệt mỏi, tinh thần bất ổn, chị dễ nổi nóng vô cớ, khó tập trung làm việc, nhiều lần bị sếp nhắc nhở.
Đi khám một bệnh viện ở Hà Nội, chị được chẩn đoán "Rối loạn giấc ngủ" và kê đơn thuốc. Uống một tuần, chị ngủ nhiều hơn nhưng ban ngày lại buồn ngủ lịm, không làm việc được. Chị tự ý dừng thuốc và mất ngủ trở lại, thậm chí nặng hơn: Nhiều đêm trắng, sợ hãi khi lên giường, nhạy cảm với tiếng động nhỏ, ăn không ngon, người kiệt sức. Gia đình động viên chị vào Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị nội trú.
Sau thăm khám kỹ lưỡng (khám lâm sàng, xét nghiệm, trắc nghiệm tâm lý, chụp MRI... loại trừ nguyên nhân thực tổn), chị D. được BSCKII. Phạm Công Huân, Viện Sức khỏe Tâm thần chẩn đoán "Mất ngủ không thực tổn", chủ yếu do căng thẳng tâm lý kéo dài và thói quen ngủ không tốt. Kết hợp dùng thuốc (theo chỉ định bác sĩ) và liệu pháp tâm lý CBT về giấc ngủ, thư giãn, sau 2 tuần, chị đã ngủ lại được 5-6 tiếng/đêm, giấc ngủ sâu hơn, ăn ngon, tinh thần vui vẻ, ổn định sau 1 tháng.
Mất ngủ - “Kẻ trộm” thầm lặng của sức khỏe và hạnh phúc
Câu chuyện của chị D. không phải cá biệt. Theo các nghiên cứu gần đây, có tới 27.3% dân số nói chung than phiền về rối loạn giấc ngủ, trong đó mất ngủ là phổ biến nhất. Tại Việt Nam, khoảng 80% bệnh nhân đến khám có rối loạn giấc ngủ liên quan đến căng thẳng trong cuộc sống.
BSCKII. Đoàn Thị Huệ, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác. Giấc ngủ đầy đủ giúp bộ não của bạn hoạt động bình thường, trong khi thiếu ngủ hoặc ngủ kém chất lượng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như mệt mỏi, giảm năng lượng, khó chịu và các vấn đề về tập trung, khả năng đưa ra quyết định."
Bạn có thể nhận biết mất ngủ qua các dấu hiệu sau:
Khó vào giấc: Nằm trằn trọc hơn 30 phút mà không thể chìm vào giấc ngủ.
Khó duy trì giấc ngủ: Thức giấc nhiều lần giữa đêm, rất khó hoặc không thể ngủ lại.
Thức dậy quá sớm: Tỉnh giấc sớm hơn mong muốn và không thể ngủ lại được, cảm giác bồn chồn, lo lắng.
Giấc ngủ không phục hồi: Ngủ đủ giờ theo lý thuyết (ví dụ 7-8 tiếng) nhưng sáng dậy vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không sảng khoái.
Hậu quả ban ngày: Đây là yếu tố quan trọng để chẩn đoán mất ngủ. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, dễ cáu gắt, giảm khả năng tập trung, trí nhớ kém, suy giảm hiệu suất trong công việc hoặc học tập. Họ cũng có thể trở nên lo lắng quá mức về giấc ngủ của mình, tạo thành một vòng luẩn quẩn khó thoát.
Mất ngủ không chỉ là một vấn đề tạm thời mà là một bệnh lý cần được nhìn nhận nghiêm túc. Việc hiểu rõ nguyên nhân và nhận biết các dấu hiệu sớm là bước đầu tiên quan trọng để chủ động bảo vệ "giấc ngủ vàng" của mình. Ở kỳ 2, chúng ta sẽ cùng khám phá 7 nguyên nhân khiến bạn thao thức cả đêm và những hệ lụy của việc mất ngủ.
Đón đọc Kỳ 2: Nhận diện 7 nguyên nhân khiến bạn thao thức cả đêm và những hệ lụy của việc mất ngủ Tham khảo thông tin & tư vấn: Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai Địa chỉ: Cổng số 3 - Bệnh viện Bạch Mai, đường Phương Mai, phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 024 3576 5344 – 0984 104 115 Email: nimhvn@gmail.com Website: www.nimh.gov.vn Facebook: Nimh.Vietnam. |