“Nhận định người bệnh nặng trong đơn vị Hồi sức tích cực” và “Đánh giá và bàn giao người bệnh đột quỵ giai đoạn cấp” là những nội dung thiết thực, hữu ích được Khối Hồi sức - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ trong chương trình sinh hoạt chuyên môn vừa qua. Chương trình quy tụ sự tham gia của đông đảo đội ngũ điều dưỡng từ nhiều đơn vị trong Bệnh viện Bạch Mai.
Với mục tiêu nâng cao kỹ năng chuyên môn và chất lượng chăm sóc người bệnh, TS Hoàng Minh Hoàn, Trưởng Khối Hồi sức - Bệnh viện Bạch Mai kỳ vọng chương trình không chỉ là dịp để cập nhật kiến thức, nắm vững quy trình đánh giá theo chuẩn và áp dụng hiệu quả trong thực tiễn hằng ngày mà còn giúp các điều dưỡng tự tin hơn trong phối hợp điều trị cùng các bác sĩ, góp phần đảm bảo an toàn người bệnh.
“Chương trình sinh hoạt dự kiến sẽ được diễn ra thường xuyên với những chia sẻ chuyên sâu theo từng lĩnh vực cụ thể như tim mạch, hô hấp, truyền nhiễm … và sẽ có hoạt động cấp CME cho người tham dự”, TS Hoàng Minh Hoàn chia sẻ.
Cũng tại chương trình, các chuyên gia, báo cáo viên đã chỉ ra điều dưỡng là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi chăm sóc người bệnh, đặc biệt là trong những thời điểm nguy cấp. Điều dưỡng là lực lượng trực tiếp theo sát bệnh nhân từ lúc tiếp nhận đến các giai đoạn hồi phục. Việc nhận định đúng, kịp thời và bàn giao chính xác, đặc biệt ở các khoa cấp cứu, hồi sức và đột quỵ… sẽ quyết định rất lớn đến hiệu quả điều trị và sự an toàn của người bệnh.
Với chủ đề “Nhận định đánh giá người bệnh nặng trong hồi sức tích cực” ThS. ĐD Nguyễn Đình Khánh, Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ quy trình nhận định người bệnh nặng theo hướng tiếp cận hệ thống, từ hô hấp, tuần hoàn, thần kinh đến dinh dưỡng, tiêu hoá, tiết niệu, nội tiết, da - cơ - xương khớp và hồ sơ bệnh án. Đặc biệt nhấn mạnh quy trình nhận định người bệnh nặng theo mô hình ABCDE: A – Airway (Đường thở): kiểm tra thông thoáng, loại trừ dị vật. B – Breathing (Hô hấp): theo dõi nhịp thở, SpO₂, dấu hiệu suy hô hấp. C – Circulation (Tuần hoàn): đánh giá mạch, huyết áp, dấu hiệu rối loạn nhịp. D – Disability (Tri giác): áp dụng thang điểm Glasgow, RASS. E – Exposure (Toàn trạng): khám toàn thân, phát hiện dấu hiệu phối hợp. Hơn thế, các điều dưỡng cũng cần chú ý đến các công cụ và kỹ thuật hỗ trợ, các thang điểm chuẩn hóa (Glasgow (ý thức), RASS (mức độ an thần), CPOT/BPS (đau), BMI, NRS 2002 (nguy cơ suy dinh dưỡng), Braden (nguy cơ loét), NEWS (cảnh báo sớm suy cơ quan).
Song song với đó, sự phát triển của công nghệ và xu hướng thời đại 4.0, việc chăm sóc người bệnh nặng có nhiều tiến bộ mới, hiệu quả hơn. Một điểm sáng đáng chú ý là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu từ máy thở, monitor, xét nghiệm… nhằm dự đoán sớm nguy cơ sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp cấp. Mô hình telemedicine (Tele-ICU) đang được triển khai tại nhiều nước và bước đầu áp dụng tại Việt Nam, cho phép chuyên gia hồi sức theo dõi, giám sát người bệnh từ xa, hỗ trợ điều trị kịp thời và nâng cao chất lượng chăm sóc.
“Nhận định người bệnh hồi sức tích cực là một quá trình phức tạp, đòi hỏi điều dưỡng có kiến thức chuyên môn sâu rộng, kỹ năng thực hành thành thạo và khả năng phối hợp hiệu quả với các thành viên khác trong nhóm điều trị. Diễn biến bệnh có thể thay đổi rất nhanh, do đó điều dưỡng theo dõi sát và nhận định liên tục tình trạng người bệnh là vô cùng quan trọng. Điều dưỡng viên đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện sớm các dấu hiệu xấu, điều chỉnh kế hoạch chăm sóc phù hợp với tình trạng thay đổi của người bệnh”, ThS. ĐD Nguyễn Đình Khánh, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Dưới góc độ là một trong những cửa ngõ đón nhận nhiều bệnh nhân nặng, khẩn cấp, ThS. Đỗ Thị Hải Vân, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về đánh giá và bàn giao người bệnh đột quỵ giai đoạn cấp, nhấn mạnh nguyên tắc “Time is brain” – Mỗi phút chậm trễ là một phần não bị mất đi. Việc phát hiện sớm, xử trí kịp thời có thể cứu sống người bệnh và giảm thiểu di chứng.
Đột quỵ gồm hai thể chính: đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ chảy máu não. Mỗi thể bệnh có phương pháp điều trị riêng, nhưng đều đòi hỏi quá trình đánh giá chính xác và bàn giao kịp thời từ điều dưỡng. Các kỹ thuật như tiêu huyết khối tĩnh mạch (trong 4,5 giờ đầu), lấy huyết khối cơ học (trong 6 giờ, thậm chí 24 giờ) đều phụ thuộc vào việc xác định chính xác thời điểm khởi phát triệu chứng.
“Điều dưỡng là người đầu tiên tiếp cận bệnh nhân và đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ. Điều dưỡng cần để ý các dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ FAST (méo miệng, liệt, nói khó, mất thăng bằng…) và thực hiện đánh giá nhanh theo khung ABCDE, kết hợp thang điểm NIHSS. Hơn thế, cần ghi nhận chính xác thời điểm khởi phát triệu chứng, yếu tố sống còn trong việc quyết định chỉ định tiêu sợi huyết hoặc can thiệp mạch”, ThS. Đỗ Thị Hải Vân nhấn mạnh.
Về bàn giao, ThS. Đỗ Thị Hải Vân khuyến nghị, điều dưỡng cần sử dụng khung mẫu SBAR (Situation – Background – Assessment – Recommendation) để đảm bảo thông tin đầy đủ, ngắn gọn, chính xác, giảm thiểu sai sót. Việc bàn giao đầy đủ, chính xác giúp đảm bảo tính liên tục trong điều trị, giảm thiểu sai sót, đặc biệt trong các trường hợp nguy kịch hoặc chuyển tuyến điều trị.
Chương trình là cơ hội quý báu giúp đội ngũ điều dưỡng củng cố kiến thức chuyên môn, chuẩn hóa quy trình đánh giá và bàn giao người bệnh nặng. Những cập nhật chuyên môn và thực hành chuẩn mực không chỉ cứu sống người bệnh mà còn góp phần nâng tầm y tế tại Việt Nam. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho cam kết của Bệnh viện Bạch Mai trong việc không ngừng nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc toàn diện, vì sự an toàn và phục hồi của người bệnh.