Procalcitonin (PCT) là dấu ấn sinh học đặc hiệu trong nhiễm khuẩn, ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng nhằm hỗ trợ chẩn đoán sớm, hướng dẫn điều trị kháng sinh hợp lý và theo dõi tiên lượng ở các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp dưới (LRTIs) và nhiễm khuẩn huyết (sepsis).
Từ các bằng chứng lâm sàng tại Trung tâm Hô hấp và Trung tâm Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai, qua hội thảo “Vai trò của Procalcitonin trong Sepsis và Nhiễm trùng đường hô hấp dưới” vừa diễn ra, các chuyên gia đầu ngành đã mang đến nhiều thông tin, khuyến nghị hữu ích. Chương trình thu hút hơn 500 người tham dự theo cả hai hình thực trực tuyến và trực tiếp.
Cú hích khoa học trong phân biệt vi khuẩn – virus
Procalcitonin (PCT) là tiền chất của hóc môn Calcitonin do tế bào C tuyến giáp tiết ra trong điều kiện sinh lý. Nhiều nghiên cứu cho rằng PCT còn được sản xuất bởi nhiều cơ quan khác như gan, phổi, tinh hoàn… PCT có vai trò phân biệt nhiễm Vi khuẩn với Virus, chỉ dấu nhanh cung cấp thông tin về diễn biến của bệnh.
Khác với các marker viêm thông thường như CRP, interleukin hay TNF-α (các phân tử quan trọng trong phản ứng viêm của cơ thể) PCT có khả năng phản ứng chọn lọc tăng cao trong nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhưng giảm rõ rệt nếu nguyên nhân là virus.
PGS.TS.BS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: “PCT là công cụ có khả năng phân biệt chính xác viêm phổi do vi khuẩn và virus. Ở bệnh nhân viêm phổi nhập ICU, với ngưỡng PCT 0,8 ng/mL, độ nhạy đạt 91% và độ đặc hiệu 68%, giá trị tiên đoán âm lên tới 91%. Trong các dịch virut bệnh nhân nhiễm virus có nồng độ PCT thấp, bao gồm nhiễm virus nặng: Influenza H1N1, SARS, MERS, COVID-19…Trường hợp đồng nhiễm vi khuẩn nồng độ PCT tăng và bệnh nghiêm trọng hơn”.
“Động lực học của PCT hỗ trợ rất hữu hiệu trong chẩn đoán và điều trị. PCT tăng từ 3 - 6 giờ sau nhiễm trùng, đạt nồng độ đỉnh từ 12 - 48 giờ. Nồng độ PCT phản ánh độ nặng của nhiễm trùng” PGS. TS Phương cũng nói thêm.
PCT hỗ trợ điều chỉnh thuốc trong chữa trị nhiễm khuẩn hô hấp dưới (LRTI)
Nhiễm khuẩn hô hấp dưới là gánh nặng bệnh tật lớn, tỷ lệ tử vong cao. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị không hợp lý cao. Kháng kháng sinh gia tăng trên toàn cầu cùng với nhiều dịch bệnh hô hấp cấp nặng nề mới nổi: SARS, H5N1, COVID 19…
Dữ liệu từ các nghiên cứu quốc tế và Việt Nam cho thấy, 90% các ca viêm phế quản cấp là do virus và hơn 30% bệnh nhân LRTI đang bị chỉ định kháng sinh không phù hợp. Nhờ ứng dụng PCT, bác sĩ có thể loại bỏ hàng loạt đơn thuốc không cần thiết, giảm thời gian sử dụng kháng sinh trung bình từ 8,1 xuống 5,7 ngày, đồng thời giảm 30 - 65% chỉ định kháng sinh trong các nhóm bệnh LRTIs mà không làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị cũng như tăng tỷ lệ tử vong.
“Nếu kháng sinh không phù hợp, nồng độ PCT vẫn duy trì cao. Nếu kháng sinh phù hợp thì nồng độ PCT trong máu sẽ giảm trong vòng 24 giờ, và giảm 50% giá trị mỗi ngày”, PGS. TS Phương cũng nói thêm.
PCT như một chỉ số dự báo trong sepsis: Cứu người từ “giờ vàng”
Trong nhiễm khuẩn huyết (sepsis), một tình trạng nhiễm trùng nặng, gây ra phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch, có thể dẫn đến rối loạn chức năng của nhiều cơ quan. Yếu tố quyết định sự sống còn của sepsis nằm ở từng giờ đầu tiên.
“Nồng độ PCT tăng sớm hơn CRP và interleukin, có thể hỗ trợ chẩn đoán sepsis ngay từ “giờ vàng’” - giai đoạn quyết định đến sống còn của bệnh nhân”, PGS.TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Với PCT, bác sĩ có thể nhận diện sớm các trường hợp sepsis nặng, thậm chí trước cả khi có biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Không dừng ở chẩn đoán, PCT còn là kim chỉ nam trong theo dõi hiệu quả điều trị, giúp điều chỉnh kịp thời phác đồ kháng sinh và đánh giá tiên lượng bệnh nhân.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn: “Ở bệnh nhân sepsis, nếu nồng độ PCT giảm nhanh dưới 1,1 ng/mL, tiên lượng thường tốt hơn rõ rệt. Ngược lại, nồng độ không giảm hoặc tiếp tục tăng là dấu hiệu tiên lượng xấu. Trong điều trị kháng sinh, với bệnh nhân trưởng thành nhập ICU nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết, chúng tôi luôn khuyến cáo định lượng PCT nhiều lần như một can thiệp của chương trình kiểm soát kháng sinh để giảm sử dụng kháng sinh”. Điều này cho phép bác sĩ điều chỉnh chiến lược điều trị kịp thời, đặc biệt trong môi trường ICU có biến động nhanh và nguy cơ tử vong cao.
Hơn 500 người theo dõi chương trình theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến
Nói cách khác, PCT là một công cụ hiệu quả trong hỗ trợ chẩn đoán và hướng dẫn sử dụng kháng sinh. Tích hợp PCT vào đánh giá lâm sàng có thể giúp cân nhắc các quyết định kê toa kháng sinh và ngừng sử dụng kháng sinh; giảm tiếp xúc kháng sinh; ảic thiện kết quả (tỷ lệ tử vong ít hơn, tác dụng phụ liên quan đến kháng sinh ít hơn).
Ưu việt kinh tế y tế
Ứng dụng PCT không chỉ cải thiện lâm sàng mà còn giảm gánh nặng tài chính. Tại Mỹ, nghiên cứu cho thấy việc tích hợp PCT giúp tiết kiệm trung bình 2.866 USD mỗi bệnh nhân LRTI, chủ yếu nhờ giảm ngày nằm viện, giảm sử dụng kháng sinh và hạn chế biến chứng như nhiễm Clostridium difficile.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng PCT không phải là “cây đũa thần” thay thế phán đoán lâm sàng. Nó chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được kết hợp chặt chẽ với đánh giá toàn diện của bác sĩ, bao gồm lâm sàng, hình ảnh học và các chỉ số sinh hóa khác.
Trong thời đại y học chứng cứ và công nghệ hóa trị liệu, Procalcitonin là đại diện cho hướng đi mới - cá thể hóa, tiết kiệm và an toàn. Việc mở rộng ứng dụng PCT vào thực hành không chỉ giúp tối ưu hóa điều trị mà còn là trách nhiệm y đức, bảo vệ kháng sinh như một tài sản chung của nhân loại.