Tâm thần phân liệt là bệnh lý tâm thần được biết đến từ lâu, tuy nhiên đến hiện nay vẫn còn những nhận thức chưa đúng, đặc biệt là khi bệnh ở giai đoạn sớm. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về bệnh tâm thần phân liệt giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng. Để giải đáp thắc mắc của cộng đồng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến - Phòng rối loạn loạn thần - y học tự sát chuyên gia đầu ngành với hơn 15 năm kinh nghiệm.
PV: Thưa bác sĩ, nhiều người vẫn lầm tưởng tâm thần phân liệt là bệnh "ma nhập" hoặc do yếu tố tâm linh. Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về bản chất của căn bệnh này?
BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến: Tâm thần phân liệt là rối loạn mãn tính của não bộ, gây ra sự rối loạn trong suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Người bệnh thường trải qua ba nhóm triệu chứng chính:
- Loạn thần: Niềm tin sai lệch không dựa trên thực tế, có cảm giác bị theo dõi hay bị hại, hoặc Ảo giác: Nghe tiếng nói, nhìn thấy hình ảnh không tồn tại.
- Suy giảm chức năng xã hội: Khó giao tiếp, duy trì công việc hoặc học tập.
Bệnh khởi phát từ sự mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh (đặc biệt là dopamine) và yếu tố di truyền. Đây là bệnh lý y khoa, không liên quan đến tâm linh hay ma quỷ.
PV: Với đối tượng dễ khởi phát bệnh là thanh thiếu niên, làm thế nào để nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường?
BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến: Trước khi bệnh bùng phát, trẻ thường trải qua giai đoạn tiền loạn thần kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Đây là thời điểm vàng để can thiệp. Cha mẹ cần chú ý:
- Thay đổi tâm lý rõ rệt: Trẻ đột ngột thu mình, cáu gắt vô cớ, mất hứng thú với bạn bè và sở thích trước đây.
- Suy giảm học tập: Điểm số sa sút dù không thay đổi môi trường học tập.
- Hành vi kỳ lạ: Nói chuyện một mình, nghi ngờ người thân không rõ nguyên nhân hoặc có cử chỉ thiếu phù hợp.
"Nếu những biểu hiện này kéo dài, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa ngay", bác sĩ nhấn mạnh.
PV: Đâu là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người trẻ, thưa bác sĩ?
BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến: Tâm thần phân liệt không có nguyên nhân đơn lẻ, mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố:
- Di truyền: nhiều nghiên cứu về di truyền cho thấy những gen có liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt
- Bất thường sinh học: Cấu trúc não thay đổi, hệ thống dopamine hoạt động quá mức.
- Sự tác động từ Môi trường: Sang chấn tâm lý (bạo lực gia đình, bắt nạt học đường) hoặc lạm dụng chất kích thích (đặc biệt là cần sa ở tuổi dậy thì) tác động vào những cá nhân có bất thường trong sinh học có thể khởi phát bệnh
"Thanh thiếu niên có tiền sử gia đình kết hợp với lối sống thiếu lành mạnh thuộc nhóm nguy cơ cao cần được theo dõi sát", bác sĩ chia sẻ.
PV: Việc phát hiện sớm mang lại lợi ích cụ thể nào cho bệnh nhân, thưa bác sĩ?
BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến: Can thiệp trong giai đoạn sớm giúp:
- Tăng hiệu quả điều trị, tăng tuân thủ, giảm nguy cơ tái phát
- Bảo vệ cấu trúc não, hạn chế tổn thương không hồi phục.
- Duy trì khả năng học tập, làm việc và hòa nhập xã hội.
Phác đồ điều trị toàn diện bao gồm: thuốc chống loạn thần, trị liệu tâm lý cá nhân - gia đình, và hỗ trợ phục hồi chức năng. "Với trẻ em, mỗi tháng trì hoãn điều trị có thể khiến não bộ tổn thương thêm", bác sĩ nhấn mạnh.
PV: Làm thế nào để cộng đồng nâng cao nhận thức về bệnh và thay đổi thái độ với người bệnh, thưa bác sĩ?
BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến: Tôi mong mọi người hiểu rằng: "Tâm thần phân liệt nếu được phát hiện sớm, can thiệp đúng sẽ giúp họ hoà nhập rất tốt". Vì vậy, hãy:
- Khuyến khích thăm khám sớm khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
- Hỗ trợ người bệnh tái hòa nhập thông qua học nghề, tham gia hoạt động cộng đồng.
"Một cái nhìn bao dung của xã hội có thể thắp sáng lại cuộc đời của họ", bác sĩ chia sẻ đầy xúc động.
Tâm thần phân liệt không phải dấu chấm hết, mà là thử thách cần sự chung tay của cả cộng đồng. Qua chia sẻ của BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến, hy vọng mỗi chúng ta sẽ trở thành cầu nối giúp người bệnh vượt qua định kiến, tìm lại nhịp sống bình thường. Phát hiện sớm – can thiệp kịp thời – yêu thương đúng cách chính là chìa khóa mở ra tương lai tươi sáng cho những người không may mắc phải căn bệnh này.
------------------------------
Nếu bạn hoặc người nhà, người thân có các dấu hiệu liên quan đến Tâm thần phân liệt hoặc các vấn đề về sức khỏe tinh thần, muốn tư vấn cách phòng ngừa, điều trị thì có thể đến khám và tư vấn tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai
Địa chỉ: Cổng số 3 - Bệnh viện Bạch Mai, đường Phương Mai, phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
Số điện thoại: 02435765344 – 0984104115
Email: nimhvn@gmail.com
FB: Nimh.Vietnam
Website: www.nimh.gov.vn