Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc họ Hepatitis B Virus (HBV) gây ra, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, ung thư gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Theo thống kê, toàn cầu có khoảng 296 triệu người nhiễm virus này, trong đó Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ mắc cao (8.8% ở nữ và 12.3% ở nam). Đáng chú ý, mỗi phút có 2 người tử vong do biến chứng từ căn bệnh này.
Vì sao cần phát hiện sớm viêm gan B?
Theo BSCKII. Nguyễn Thị Thùy - Trung tâm Tiêu hóa gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, virus HBV có thời gian ủ bệnh từ 4-24 tuần. “90-95% người trưởng thành nhiễm cấp tính tự khỏi, nhưng 5% chuyển thành mạn tính. Nếu không điều trị, 20-30% số này tiến triển thành xơ gan, ung thư gan. Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về ung thư gan, phần lớn do HBV gây ra”, bác sĩ Thùy nhấn mạnh.
Triệu chứng bệnh thường mơ hồ: Mệt mỏi, chán ăn, vàng da, đau hạ sườn phải... dễ nhầm với bệnh lý khác. Xét nghiệm máu là cách duy nhất phát hiện sớm. CDC Hoa Kỳ (2023) khuyến cáo sàng lọc cho các nhóm nguy cơ:
- Phụ nữ mang thai.
- Người tiêm chích ma túy, quan hệ đồng giới nam.
- Người nhiễm HIV, viêm gan C.
- Người sống trong vùng dịch tễ cao (tỷ lệ nhiễm ≥2% như Việt Nam).
- Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HBV hoặc chưa tiêm vaccine.
Con đường lây nhiễm và chiến lược phòng ngừa hiệu quả
HBV lây qua 3 đường: Máu (dùng chung kim tiêm, dao cạo..), từ mẹ sang con và quan hệ tình dục không an toàn.
Vaccine là vũ khí hàng đầu:
- Vaccine tái tổ hợp: Dùng cho mọi lứa tuổi, kể cả phụ nữ mang thai.
- Heplisav-B: Cho người >18 tuổi, không dùng cho thai phụ.
- Vaccine phối hợp (ví dụ như Pediarix phòng 6 bệnh): Tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi.
“Tại Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, vaccine giúp giảm 70-84% ung thư gan. Alaska ghi nhận 0% ca mắc nhờ tiêm chủng”, BS Thùy chia sẻ.
Lưu ý khi tiêm vaccine:
- Xét nghiệm anti-HBs sau 1-2 tháng tiêm để đánh giá hiệu quả (miễn dịch khi anti-HBs >10 mUI/ml).
- Người không đáp ứng (anti-HBs <10 mUI/ml) cần tăng liều, đổi đường tiêm hoặc đổi loại vaccine.
- Yếu tố giảm đáp ứng: Tuổi >40, béo phì, hút thuốc, đái tháo đường, HIV...
Dự phòng lây từ mẹ sang con:
- Mẹ nhiễm HBV có HBV DNA >200.000 IU/mL cần dùng thuốc kháng virus (Tenofovir) từ tuần 24-28 thai kỳ.
- Trẻ sinh ra phải tiêm vaccine + huyết thanh kháng HBV trong 24 giờ đầu.
Điều trị viêm gan B: Kiểm soát virus, ngăn biến chứng
Thuốc kháng virus như Entecavir, Tenofovir... giúp ức chế HBV, giảm nguy cơ xơ gan, ung thư. “Tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi kết hợp sàng lọc, vaccine và thuốc kháng virus có hàng rào đề kháng thấp, ít tác dụng phụ. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ theo dõi HBV DNA và men gan”, BS Thùy cho biết.
Dự phòng thứ phát cho người mạn tính: Dùng thuốc kháng virus liên tục để ngăn bùng phát.
Lời khuyên từ chuyên gia
- Tiêm vaccine đủ liều cho trẻ sơ sinh và người chưa miễn dịch.
- Xét nghiệm máu ít nhất 1 lần/năm nếu thuộc nhóm nguy cơ.
- Dùng bao cao su để phòng lây qua đường tình dục.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như dao cạo, kim tiêm.
“Phát hiện sớm và điều trị đúng cách giúp người nhiễm HBV sống khỏe mạnh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”, BS Thùy kết luận.
Viêm gan B không còn là “án tử” nếu cộng đồng chủ động phòng ngừa và tiếp cận y tế kịp thời. Hãy hành động ngay hôm nay để bảo vệ lá gan của bạn!