Bỏ ra 15.000 USD để thử nghiệm tác dụng của một biệt dược trên cơ thể người là quá rẻ so với một tập đoàn dược phẩm hùng mạnh phương Tây. Dù thế giới đã lên án kiểu dùng con người như chuột bạch hay khỉ nhưng Mỹ và vài nước châu Âu vẫn tiếp tục việc này.
Lời mời gọi hấp dẫn
Căn phòng ấy trông chẳng khác bất cứ căn phòng nào của một bệnh viện. Cô gái trẻ leo lên máy đạp xe và đạp như điên. Vị giáo sư già chăm chú theo dõi máy đo điện não đồ. Cứ 3 phút ông lại yêu cầu cô gái đạp nhanh hơn, mạnh hơn. Khi buổi thí nghiệm kết thúc thì cô đã mệt đến lả đi. Cô gái đó không hề bị bệnh tật gì mà chỉ là một người tự nguyện làm vật thí nghiệm (VTN). Người ta vừa chế ra một loại thuốc kháng sinh thế hệ mới và rất muốn biết ảnh hưởng của nó lên hệ tuần hoàn và hệ thần kinh của con người. Sau đợt thí nghiệm đạp xe dài 3 tháng, cô gái được 2.000 đôla. Hàng năm, chỉ riêng tại Pháp cũng có 400.000 người tình nguyện làm VTN như thế, có người hy sinh vì khoa học và có người vì tiền
Để có đủ "vật thí nghiệm", các công ty dược phẩm, các trung tâm y tế cho đăng những mẩu quảng cáo nho nhỏ qua mạng tin nhắn di động hoặc phát lời chiêu dụ trên Internet, báo chí. Đại thể: "thu nhập hấp dẫn, giúp bạn trang trải học phí và có tiền mua sách vở". Đối tượng nhắm đến là sinh viên, những người luôn khao khát kiếm thêm ít tiền để trang trải việc học đang ngày càng đắt đỏ. Các sinh viên Đông Âu hay châu Mỹ thì bị "dụ" bằng những lời lẽ ngon ngọt là "tham gia những công tác khoa học lý thú và tham quan thắng cảnh châu Âu". Ngoài ra trong đội quân những người làm VTN còn có những người thất nghiệp, những người nhập cư từ đất nước thứ ba, thậm chí cả những người chuyên nghề làm VTN do các công ty môi giới lao động cung cấp.
Theo nội dung tin nhắn mà một công ty dược phẩm đã liên tục rao qua hệ thống SMS thì công ty này sẽ trả một món tiền bảng Anh tương đương 1.300USD cho việc làm "chuột bạch" trong ba ngày và 2.000USD trong một tuần lễ. Tùy theo mức độ "hi sinh vì khoa học" và mức độ nguy hiểm của thuốc thử nghiệm mà số tiền thù lao sẽ cao hay thấp. Tiêu chuẩn thường đặt ra cho những người làm VTN là: tình trạng sức khỏe tốt, không hút thuốc lá hay nghiện rượu. Nếu là phụ nữ thì không được dùng bất kỳ loại thuốc tránh thai nào. Thật ra, làm VTN không thể là một nghề mà chỉ là giải pháp tình thế, vì đa phần các nước châu Âu cấm thù lao vượt quá 5.000đôla/năm, để tránh tình trạng người ta bất chấp tính mạng. Tuy nhiên, vẫn có những nơi lén trả trên 10.000 đôla cho những loại thí nghiệm "đặc biệt" mà mức độ nguy hiểm thì không ai lường trước được.
Tính ra, nhiều công ty được phẩm Tây Âu đã thoải mái tiến hành thí nghiệm trên cơ thể người từ cả chục năm nay. Những dịp đột biến y học trên thế giới (trận dịch nào đó, virut hay vi khuẩn nào tràn lan, bệnh khó chữa như Alzheimer, Parkinson...) lại là dịp để công ty dược phẩm tăng tốc trong việc tuyển "dê tế thần". Chỉ trong vòng ba năm (1999-2001), Công ty dược Van TX của Thụy Sĩ đã thử nghiệm tổng cộng 48 biệt dược trên cơ thể người. Riêng trong năm 2002, công ty này lại tiến hành tám cuộc thử nghiệm "bí mật" khác. Các thuốc để thử nghiệm có đủ loại từ thông thường đến độc dược, nào Viagra, thuốc trừ sâu, viên phóng xạ, các loại vaccin...
Và hậu quả nhãn tiền
Hầu như tất cả các bệnh viện, phòng thí nghiệm hay trung tâm y tế đều khẳng định với những người làm VTN rằng không có biến chứng nào cả, tất cả đều tốt đẹp. Một số nơi còn nói như đinh đóng cột rằng: "Làm VTN còn ít nguy hiểm hơn dùng xe gắn máy để giao bánh pizza giữa thành phố Paris. Tất nhiên, chuyện nôn mửa, tiêu chảy hay sốt trong vòng 3 ngày đầu tiên chỉ là "chuyện nhỏ". Chưa hết, một số nơi còn cam kết trong hợp đồng là "nếu xảy ra trục trặc chúng tôi sẽ chi toàn bộ viện phí và tiền thuốc men". Nhưng thực tế thì khác hẳn. Nhưng những tạp chí y học của phương tây ngày càng tỏ quan điểm bất mãn với những lời hứa hão này. Năm ngoái, anh Jean Sebatien 32 tuổi, thất nghiệp, đã làm VTN cho một loại thuốc bôi ngoài da, 2 tuần sau, anh được đề nghị uống thêm vài viên thuốc màu xanh lơ, hơn một tháng sau thì trên da anh nổi chi chít những mụn mủ, đau nhức dữ dội. Jean nôn mửa và tiêu chảy liên tục, sốt cao, mê sảng, thị lực giảm nhanh. Toàn bộ viện phí chữa chạy là do anh tự trả. Đơn kiện bệnh viện Lagardere (Lyon) vẫn trong tình trạng... kiện củ khoai.
Từ năm 1988, Đạo luật Hurier đã quy định rõ là trước khi thử nghiệm bất cứ dược phẩm hóa chất nào trên cơ thể người, đều phải tiến hành ở động vật trước đã. Điều đó nhằm giảm thiểu các phản ứng phụ, các tác nhân gây sốc. Tuy nhiên, dù có thực hiện điều đó thì phản ứng cơ thể của những loài động vật cũng không giống hoàn toàn với con người! Đạo luật cũng quy định phải cung cấp cho người làm VTN mọi thông tin về cuộc thử nghiệm và những thí nghiệm trước đó. Tất cả dựa trên yếu tố tự nguyện, không được cưỡng ép hay gợi ý. Nhưng sự thật ra sao thì ai cũng rõ. Những khoản thù lao hấp dẫn chính là lời gợi ý nguy hiểm nhất. Ủy ban Tư vấn bảo vệ con người trong các nghiên cứu sinh - dược học (CCPPRB) vẫn tồn tại, nhưng tác dụng của nó thì rất giới hạn.
Chị Simon Defaux, 36 tuổi, được Trung tâm nghiên cứu y sinh học ở Nice "chào mời" khoảng 12 hợp đồng ghi rõ 12 loại biệt dược thế hệ mới. Mức thù lao thấp nhất là 200đôla/ngày và cao nhất là 7.500 đôla/10 ngày. Sau chưa đầy 10 ngày đầu, huyết áp của chị tụt xuống đến mức báo động, kèm theo triệu chứng vàng da và khó thở. Kết luận của trung tâm là: "Phản ứng phòng vệ quá đặc biệt của cơ thể, vì thí nghiệm này không hề tạo ra những tình huống tương tự ở 11 người làm VTN trước đó". Hiện nay, Simone bị đái tháo đường, thường xuyên khó thở và 500 đôla chẳng còn là gì nữa khi bệnh tình của Simone ngày càng trầm trọng.
Phớt lờ tính mạng con người
Nhiều tổ chức, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng bất bình bình song các công ty dược phẩm của châu Âu vẫn phớt lờ hoặc lại dùng tiền và mua chuộc báo chí để bao biện. Dù sao, châu Âu vẫn tự cho là rất tôn trọng nhân quyền so với Mỹ. Người châu Âu sẵn sàng dẫn chứng thí nghiệm kinh khủng của người Mỹ: Sau phiên tòa quốc tế tại Nuremberg năm 1997, người Mỹ vẫn tỉnh bơ khi tiêm chất phóng xạ vào cơ thể người làm VTN.
Mới đây, người ta phát hiện một công ty dược của Mỹ đã tuyển người làm VTN để cho họ hít thuốc trừ sâu trong một thời gian dài. Công ty này lập luận rằng: "Muốn biết rõ tác động của thuốc trừ sâu, phải nghiên cứu khả năng tự vệ của hệ thần kinh trung ương. Mà khi đó, chỉ có một con đường trực tiếp và ngắn nhất là cho ngửi"! Trên tờ The Lancet, số tháng 6/2009, bác sĩ Allan Poe đã khẳng định "Đó là một kiểu thử nghiệm hết sức phi nhân". Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất ít những vụ xì-căng-đan được phát hiện. Hồ sơ về việc những người "bán mình cho khoa học" luôn là loại "hồ sơ khép", được bảo mật và che đậy kỹ càng. Nhiều cuộc điều tra đã được tiến hành, nhưng những rào cản vô hình vẫn được dựng lên khắp nơi nếu có một nhà chuyên môn mang ý định "làm ra ngô ra khoai".
Đỗ Duy Anh (Theo Science et Vie)
suckhoedoisong.vn