Miền Bắc đã vào mùa đông, thời tiết trở lạnh và số ca sốt xuất
huyết Dengue (SXHD) đã giảm dần. Tuy nhiên theo khuyến cáo của các chuyên
gia, người dân vẫn không nên chủ quan với dịch bệnh. Mùa đông năm 2009 cũng đã
ghi nhận dịch SXHD và dịch cúm AH1N1 chồng chéo lên nhau với nhiều ca biến chứng
nặng và tử vong.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đến
nay sốt xuất huyết đã xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Tính từ
đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận tổng số 82.000 ca, trong đó có 52 ca tử vong
do SXHD. Các chuyên gia nhận định, năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca
mắc mới có chiều hướng tăng ở các thành phố lớn - nơi có tốc độ đô thị hóa và mật
độ dân số tăng cao.
TS.BS Cường khám cho một bệnh nhân SXHD
TS.BS Đỗ Duy Cường - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện
Bạch Mai cho biết: Tình hình SXHD năm nay có nhiều đột biến, số lượng bệnh nhân
tăng. Từ đầu năm đến nay khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho
749 ca SXHD, trong đó cao điểm của dịch là tháng 10: 124 ca; tháng 11: 311 ca;
tháng 12: 229 ca. Ngoài ra, hàng ngày có hàng trăm ca đến khám và điều trị ngoại
trú. Hiện tại, Miền Bắc đã vào mùa đông, thời tiết lạnh, số ca SXHD có chiều
hướng giảm nhẹ, tuy nhiên người dân không nên chủ quan vì gần cuối vụ dịch có
thể có những ca nặng biến chứng. Mùa đông năm 2009 cũng đã ghi nhận dịch SXHD
và dịch cúm AH1N1 chồng chéo lên nhau nên có nhiều ca biến chứng nặng và tử
vong.
TS. Cường cũng cho biết đặc trưng của SXHD năm nay chủ yếu là
do virus Dengue týp II - týp thường gây nhiều biến chứng nặng. Cứ theo chu kỳ
5-10 năm sẽ bùng phát một đợt dịch SXHD. Tại Hà Nội, kể từ năm 2009 đến nay mới
xuất hiện 1 đợt dịch lớn. Tuy nhiên tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai từ đầu
năm chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do SXHD. Ở những nơi thành thị dân cư
tập trung đông đúc, điều kiện vệ sinh không đảm bảo là yếu tố thuận lợi để muỗi
vằn phát triển. Thời tiết nóng lạnh thất thường cũng là yếu tố quan trọng góp
phần vào việc lây lan dịch bệnh.
Không có muỗi, không có sốt xuất huyết
Triệu chứng của SXHD là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày.
Các dấu hiệu kèm theo là đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên
người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất
huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có
hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như
xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi
có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét
nghiệm chẩn đoán và điều trị. Điều trị chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ như dùng
thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol (efferalgan codein,..), truyền dịch đẳng
trương… Nguyên nhân của bệnh là do virus truyền qua muỗi đốt nên bệnh thường khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên khoảng 5% bệnh
nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm
thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.
Các chuyên gia nhận định, dịch bệnh SXHD có nguy cơ gia tăng
và diễn biến phức tạp trong những năm tới vì nhiều lý do: Tốc độ đô thị hóa
ngày càng cao, mật độ dân số tăng nhanh kèm theo điều kiện ăn ở, vệ sinh kém
như tăng chủng loại và số lượng vật phế thải đọng nước, ngày càng nhiều người
thích trồng hoa, cây cảnh, nhà vườn, nhiều ổ loăng quăng được phát hiện ở các
công trường xây dựng, nhà trọ, lán trại, thói quen nằm ngủ không mắc màn,....
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu dohiện tượng thời tiết El Nino đã tạo nên
môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản.
Bài, ảnh: Mai Thanh